Vận dụng án lệ của Tòa án trong việc xác định tình tiết định khung hình phạt đối với vụ án có đồng phạm.

Người đăng: - ngày đăng: 26/11/2019

          Nội dung vụ án: Ngày 02/10/2019 A đi mua 01 gam Heroine về để bán kiếm lời, khi về nhà A đã chia nhỏ làm 3 phần và gói lại thành 3 gói Heroine, sau khi chia nhỏ A đưa cho B là vợ A và nói cất đi nếu ai có hỏi mua thì bán kiếm lời, B đã đem đi cất giấu ở tủ quần áo trong nhà nhưng A không biết vị trí cất giấu này. Ngày 03/10/2019 khi đó A đang ở nhà, B đang đi chợ thì có C và D là hai đối tượng nghiện ma túy đến nhà A hỏi mua ma túy, mỗi người hỏi mua 50.000 đồng và đưa tiền cho A cầm (C đưa trước, D đưa liền sau đó) do không biết vị trí để ma túy vì vậy phải đợi B về. Khi B đi chợ mua thức ăn về nhà thấy C và D ở trong nhà nhưng không biết C và D đến có việc gì, B đi vào trong bếp cất thức ăn thì A vào bếp bảo B đưa cho A 02 gói Heroine để A bán thì B nhất trí (B không biết A lấy 02 gói Heroine này để bán cho ai). Nhận 02 gói Heroine từ B, A đem ra đưa cho C và D mỗi người 01 gói. Khi C và D trên đường đem Heroine về thì bị phát hiện bắt quả tang, thu giữ gói Heroine của C có khối lượng 0,03 gam, gói Heroine của D có khối lượng 0,04 gam).

* Giải quyết vụ án trên có hai quan điểm:

         - Quan điểm 1: Trong vụ án có đồng phạm thì người thực hành phạm tội gì, theo khung hình phạt nào thì các đồng phạm khác cũng phải bị truy tố, xét xử theo tội danh và khung hình phạt đó. Vì vậy A, B phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy tình tiết định khung “Đối với 02 người trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS.

         - Quan điểm 2: Mỗi người đồng phạm gắn với những tình tiết định khung riêng, nên không thể buộc đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung hình phạt riêng cho người thực hiện tội phạm, trừ trường hợp những người đồng phạm có chung tình tiết định khung và viện dẫn Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra đời là sự giải thích thống nhất để áp dụng về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án có đồng phạm. Trong vụ án có đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, các đồng phạm đã rủ nhau đánh dằn mặt bị hại. Khi thực hiện tội phạm, người thực hành dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành. Người xúi giục không có mặt khi người thực hành thực hiện tội phạm, không biết việc người thực hành sử dụng mã tấu chém vào những vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại.  ALHS số 17/2018 góp phần thống nhất nhận thức về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của các đồng phạm trong vụ án hình sự. Đồng phạm phải chịu TNHS về một tội phạm mà họ thống nhất thực hiện, tuy nhiên, không phải mọi trường hợp họ đều phải chịu TNHS theo tình tiết định khung riêng của người thực hành. B là đồng phạm giúp sức cho A trong việc cất giấu ma túy nhằm mục đích bán, và khi A bảo B đưa ma túy cho A để A bán B không biết A bán ma túy cho ai? Bán cho bao nhiêu người vì vậy B chỉ đồng phạm với A về tội Mua bán trái phép chất ma túy tội phạm và hình phạt của B được quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS, còn A phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết định khung hình phạt “Đối với 02 người trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS.

          Tác giả đồng tình với quan điểm 2, tuy rằng Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao không hướng dẫn tình tiết định khung hình phạt “Đối với 02 người trở lên” trong tội “Mua bán trái phép chất ma túy” nhưng cần vận dụng ALHS số 17/2018 để thống nhất nhận thức về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của các đồng phạm trong vụ án hình sự. Đồng phạm phải chịu TNHS về một tội phạm mà họ thống nhất thực hiện, tuy nhiên, không phải mọi trường hợp họ đều phải chịu TNHS theo tình tiết định khung riêng của người thực hành.

         Tác giả nêu vụ án này rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc.

                                                          TG. Vũ Đức Hoàng – Kiểm sát viên VKSND tỉnh Lai Châu

hhh

LIÊN KẾT WEBSITE