Cùng bàn luận xung quanh cách sống
- ngày đăng: 16/03/2023
Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, khắp nơi trên cả nước đang dẫy lên một phong trào thi đua sôi nổi với nhiều hình thức thiết thực. Đã là một đoàn viên thanh niên được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại của Hoà bình và tri thức, hơn bao giờ hết tôi hiểu rằng, để có một cuộc sống như ngày hôm nay, cha anh chúng ta đã phải đổ biết bao xương máu, sự hy sinh to lớn đó đã tô thắm lên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ tình cảm, cảm tưởng cũng như một vài suy nghĩ của mình về những cống hiến, sự hy sinh của thế hệ đi trước, ý nghĩa “Sống đẹp, sống có ích”, đồng thời cũng xin đưa ra một vài nhận thức về quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.
Tôi còn nhớ: Khi tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam, một sử gia nước ngoài phải thốt lên rằng: “Tại sao lại có một dân tộc bé nhỏ mà lại anh hùng đến vậy”. Điều đó thật đúng, bởi dân tộc Việt Nam chúng ta cho đến nay đã trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, từ thời đại các vua Hùng cho đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc và ác liệt. Song, với tình thần quật cường dân tộc, ông cha ta đã dương cao ngọn cờ dân tộc, đã làm cho bao kẻ thù phải khiếp đảm hồn kinh. Chúng ta còn nhớ những trận chiến Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa ….xưa kia đã đi vào sử sách và gần đây trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ, cha anh ta lại làm nên một điều kỳ diệu tưởng chừng như “Không thể”, chính điều kỳ diệu đó đã viết lên một trang sử vẻ vang thật hào hùng và chói loà cho dân tộc Việt Nam chúng ta trong một giai đoạn lịch sử mới.
Một sự may mắn đối với tôi và các bạn là được sinh ra trong một giai đoạn lịch sử không có chiến tranh và bom đạn, đó là giai đoạn hoà bình độc lập tư do, chỉ cảm nhận khốc liệt của cuộc chiến tranh qua những bài học và những trang sách được Thầy và Cô giảng trong suốt quá trình học tập tại trường. Qui luật của cuộc chiến tranh, càng khốc liệt bao nhiêu thì sự hy sinh lại càng bấy nhiêu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sự khốc liệt đó đã thể hiện một cách rõ nét nhất, hàng triệu thanh niên Việt Nam với khí thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, họ đã phải tạm xa gia đình, người thân, ruộng vườn khoác trên mình trọng trách của quê hương đất nước lên đường cầm súng “đi đánh giặc”, rất nhiều người trong số họ khi ra đi biết ngày trở về gặp lại người thân là rất mong manh, song họ đâu có sợ hy sinh gian khổ, trong họ luôn có một niềm lạc quan vào ngày chiến thắng, tiêu biểu cho những con người đó có thể kể đến: Anh Hùng Tô Vĩnh Diện, lấy thân mình chèn pháo, anh hùng Bế Văn Đàn, lấy thân mình làm giá súng, anh hùng Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai và rất nhiều những tấm gương anh hùng khác, họ đại diện cho thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Còn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chúng ta lại xuất hiện hàng triệu những tấm gương anh dũng như: Anh Trỗi, anh hùng Nguyễn Viết Xuân và gần đây ta được biết một tấm gương như chị Đặng Thuỳ Trâm… họ đại diện cho thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến có thể coi là ác liệt và hy sinh nhiều nhất của dân tộc. Những con người đó trong cuộc sống thường ngày họ rất bé nhỏ, sống giản dị, nhưng trong chiến đấu họ không bé nhỏ chút nào, họ coi cái chết “Như cày xong thửa ruộng”, trong họ có một nghị lực phi thường, họ không màng đến cái sống chết, miến sao có thể đánh đổi sự hy sinh của mình để đem lại ngày chiến thắng và một tương lai tương sáng cho dân tộc. Vậy tại sao trong họ lại có được nghị lực như vậy? Bởi trong họ luôn có một tình yêu quê hương đất nước, một niềm tự hào dân tộc, một lý tưởng của người cách mạng, một khát vọng, một niềm lạc quan và đặc biệt họ đã nhận thức được trách nhiệm cao cả của mình đối với Tổ quốc “Khi Tổ quốc cần thanh niên có…” Với một nghị lực như vậy, cuối cùng họ đã chiến thắng, dân tộc ta đã chiến thắng, cả nước chàn ngập trong bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng..” cùng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.
Trong thế hệ thanh niên ngày nay, họ thực sự là chủ nhân của đất nước, với những tri thức và khoa học tiên tiến họ thực sự góp phần tích cực vào sự đổi thay của đất nước. Nhưng cũng thật đáng tiếc bên cạnh những con người lo cho công việc thì vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ thanh niên lại quên đi lịch sử của dân tộc, quên đi sự hy sinh và những cống hiến của cha anh chúng ta, họ đâu biết rằng, để có cuộc sống như ngày hôm nay, cha anh chúng ta đã phải đánh đổi cả “máu và nước mắt”. Họ sống mơ hồ với lý tưởng cách mạng, không có định hướng rõ ràng, sống buông thả, xa đoạ, không có chí tiến thủ. Họ luôn lo toan vun vén cuộc sống cá nhân, lao vào những cuộc ăn chơi trác tán, sát phạt…, họ quên rằng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc…” với những gì đã làm, trước sau gì chắc chắn họ sẽ bị xã hội đào thải.
Lại nói về cách sống, một bộ phận thanh niên bây giờ họ có một cách sống gấp gáp, sống ích kỷ, chỉ biết mình, quên những gì đang diễn ra xung quanh họ, họ cho rằng cuộc sống bây giờ thế này, thế nọ thì mới “modem”, xa rời thuần phong mỹ tục của dân tộc, chạy theo kiểu sống “Tây hoá”. Còn tôi và các bạn thì sao? là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta nên sống thế nào để có ích cho đời, góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vậy thì trước hết, tôi và các bạn cần phải hiểu thế nào là “Sống đẹp - sống có ích”?
Mỗi chúng ta sinh và và khôn lớn đều trải qua một thời thơ ấu, đó là một giai đoạn chắc hẳn khi lớn khôn không ai có thể quên được những lời ru ngọt ngào của mẹ, của bà để đưa ta vào giấc ngủ say nồng. Những lời ru đó tưởng chừng như mộc mạc chân chất hương đồng gió nội, chỉ để vỗ về đưa con vào giấc ngủ êm đềm, chính những lời ru đó lại mang một chiết lý sâu xa, đó là cái chiết lý để định hướng, dăn dạy những điều hay lẽ phải, dìu dắt cho cuộc đời lớn khôn sau này của mỗi chúng ta “à ơi… cha đi đánh giặc biên cương…” hoặc “ngủ ngon a cay ơi… mai đây khôn … mẹ thương a cây, mẹ thương bộ đội…” v.v.v.
Như vậy! khi còn nhỏ thì ta đã được bà, được mẹ dạy cho ta cách làm người, còn khi lớn khôn, ta lại được gia đình, nhà trường và xã hội đã cho ta cả một kho tàng vốn quý của cuộc sống. Đó là cách sống sao cho tốt đời, đẹp đạo, sống sao phải có hoài bão, lý tưởng và nghị lực, sống không chỉ cho riêng mình, mà sống phải biết sẻ chia, thương yêu, giúp đỡ và đùm đọc lấy đồng loại, sống phải biết đoàn kết thương thân thương ái lấy nhau:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Hoặc
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Đây chính là cái nét đẹp của mỗi người dân đất Việt và đây chính là “Sống đẹp - Sống có ích”.
Vậy, thì thế nào là sống có hoài bão và lý tưởng? Sống có hoài bão là sống có ước mơ, luôn vươn tới những cái tốt đẹp. Hoài bão ở đây phải là hoài bão lớn lao, đó là sự phấn đấu, quyết tâm để đạt cho bằng được hoài bão đó, như vậy cuộc sống của chúng ta luôn luôn có sự phấn đấu phát triển. Còn nếu chúng ta sống mà không có hoài bão, thì sẽ không có sự phấn đấu, mặc kệ cho số phận “Nước chảy bèo trôi..”. Lý tưởng ở đây chính là lý tưởng cộng sản, chính lý tưởng này nó mang tính định hướng cho sự phát triển của mỗi chúng ta trong cuộc sống, nó giúp thực hiện hoài bão của mỗi chúng ta để cho ta trở thành những người có ích cho xã hội, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản. Tôi vẫn còn nhớ như in bài thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
mặt trời chân lý chói qua tim
hồn tôi là một vườn hoa lá
rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Bài thơ này được viết khi nhà thơ vừa mới 18 tuổi, cái tuổi mà đang định hướng để bước vào đời. Chân lý ở đây, đó là chân lý của người cộng sản, chân lý đó là nắng chói trang của mùa hạ, cái nắng chói trang của mặt trời chân lý đã thức tỉnh những con người để rồi từ đó tâm hồn nhà thơ luôn luôn lạc quan, yêu đời, đó là chân lý cách mạng của một người thanh niên khi tìm thấy mặt trời, đó là Đảng kính yêu đã mang lại cho tâm hồn nhà thơ một niềm lạc quan, yêu đời, để rồi suốt cuộc đời nhà thơ đã sống, chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Hoặc hẳn ta không thể nào quên một người thanh niên đại diện cho sự sống có hoài bão và lý tưởng cộng sản, đó là Nguyễn Văn Trỗi, khi địch đưa anh ra pháp trường để bắn, anh không hề giun sợ mà còn hô vang “Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm… Hồ Chí Minh muôn năm..”, nếu một con người nếu không có ý chí và nghị lực, nếu không có một niềm lạc quan, một lý tưởng cách mạng thì làm sao lại trước mũi súng của kẻ thù lại không hề khiết sợ đến như vậy.
Một vấn đề đặt ra ở đây nữa là “Sống đẹp - Sống có ích” ở đây không chỉ là sống có hoài bão, lý tưởng và phải biết chia sẻ, thương yêu đùm đọc lấy đồng chí, đồng loại, phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phải biết hy sinh và phấn đấu cho dân tộc, không màng đến danh lợi cá nhân, sống sao không hổ thẹn với lương tâm và bạn bè “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc…”, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên..” sống sao mà khi thấy nỗi đau của đồng loại, chính là nỗi đâu của chính mình.
Mặt khác “Sống đẹp - Sống có ích” ở đây chính là sống phải có đạo đức và kỷ luật. Đạo đức ở đây là thuần phong mỹ tục của dân tộc, đó là bản sắc riêng, nét đẹp riêng của dân tộc Việt Nam chúng ta. Đạo ở đây là đạo để làm người, đạo của người Việt, Đức là đức độ, cách cư xử của mỗi con người trong cuộc sống thường ngày, không thể âu hoá, không thể lai căng, không phải chạy theo kiểu ăn chơi xa đoạ, vũ trường này, sàn nhảy nọ để lắc lư suốt đêm, hoặc chạy theo kiểu ăn mặc “Giá áo tăng lên, giá quần tụt xuống”, mà hãy nhớ rằng mình là người Việt, là con Lạc, cháu Hồng, cho dù âu hoá đến đâu thì cũng phải giữ lấy bản sắc riêng biệt của dân tộc, đó là những đám cưới thôn quê, mặc cuộc hát đối, hát giao duyên, những lễ hội truyền thống, những chiếu áo dài và chiếc nón quai thao đã đi vào lịch sử người Việt mà khắp năm châu bốn biển đều biết đến.
Sống có tổ chức, có kỷ luật, tức là sống phải nghiêm với chính mình và luôn luôn tôn trọng tổ chức, đồng thời luôn chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không thể tự do vô ý thức vô kỷ luật, thích gì làm ấy trái pháp luật của nhà nước, sống mà chỉ biết những con xe đời mới để đem đến nỗi đau cho người khác từ những cuộc đua xe, hoặc sống mà đem đến cái chết trắng cho người khắc. Sống theo kiểu tự do vô kỷ cương, coi thường phép nước như vậy thì trước sau gì cũng bị gia đình và xã hội đào thải. Mà sống ở đây là phải sống cho mọi người, đoàn kết thống nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đó là sức mạnh của dân tộc Việt nam chúng ta.
Một khía cạnh của “Sống đẹp - Sống có ích” nữa đó là sống phải có tri thức khoa học để dựng xây đất nước. Trong thời đại phát triển của xã hội ngày nay, nếu chúng ta không có tri thức và khoa học thì không thể dựng xây đất nước, không thể thực hiện được đường lối của Đảng về xây dựng đất nước trong thời đại mới đó là công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Vậy để muốn có được tri thức thì chẳng có cách gì khác đó là phải học, học ở thầy, học ở bạn, học ở sách vở, học ở trường cũng như học ở ngoài thực tiễn. Và phải luôn lấy thực tiễn làm thước đo để đánh giá cho mỗi con người.
Sinh thời Bác Hồ đã nói:
“Non sông Việt Nam có vẻ vang…
Là nhờ công học tập của các cháu.”
Tóm lại: Đã là một người thanh niên được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết tôi và các bạn hiểu rằng thế hệ cha anh ta đã chiến đấu hy sinh gian khổ, sự hy sinh đó là vô bờ, vô bến, máu và nước mắt đã tô thắm nên ngọn cờ độc lập dân tộc thống nhất đất nước, mới có được những ngày hoà bình như hôm nay. Chúng ta sinh ra khi đất nước không còn chia cắt, không còn chiến tranh, đất nước đang vươn mình tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước đã từng giờ, từng ngày đổi thay, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, xoá được đói, giảm được nghèo. Song, bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế, đòi hỏi phải có một lớp người có đủ trình độ về tri thức nắm bắt và ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, những con người đó không ai hết đó là thế hệ trẻ chúng ta những chủ nhân tương lai của đất nước. Xưa kia cha anh đã anh dũng trong chiến đấu, nay thế hệ trẻ chúng ta bằng chính những kiến thức của mình hãy cống hiến để dựng xây đất nước. Vậy, tri thức ở đâu? tri thức đó là sự học tập và rèn luyện của mỗi chúng ta. chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp và có ích cho đời. Tôi xin được kết thúc bài viết này với lời dạy của Bác Hồ đối với thanh niên: “ Xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Một vinh dự đối với tôi là được trở thành một cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, những người thay mặt Đảng và Nhà nước kiểm sát việc tuân thủ pháp luật và thực hành quyền công tố. Tôi luôn hiểu rằng muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước hết mình phải có một trình độ chuyên môn nghiệp vụ “vừa Hồng, vừa chuyên”, muốn vậy trong quá trình công tác cần phải tích luỹ và trau dồi những kiến thức về mọi mặt, nhất là kiến thức về pháp luật, thực hiện đúng lời dạy của Bác đối với ngành Kiểm sát nhân dân “Công minh – Chính trực – Khách quan – Thận trọng – Khiêm tôn”. Đồng thời phải luôn ra sức phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để đem ánh sáng của Đảng đến đồng bào các dân tộc Vùng Tây bắc - Lai châu.
Đăng Đản, VKSND tỉnh Lai Châu
- VKSND huyện Mường Tè chủ trì ký kết các Quy chế phối hợp liên ngành 22/03/2023
- Đảng bộ VKSND tỉnh Lai Châu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 21/03/2023
- Chi đoàn VKSND tỉnh Lai Châu tổ chức các hoạt động tháng thanh niên 20/03/2023