Một số giải pháp trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu

Người đăng: vkslaichau - ngày đăng: 15/03/2023

Đảng bộ VKSND tỉnh Lai Châu thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trên địa bàn; đồng thời thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, đảng bộ có 04 chi bộ trực thuộc với 50 đảng viên. Để triển khai thực hiện hiệu quả thiết thực việc học tập Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh”. Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo; trong đó, xác định: “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị” là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Bởi đây là nhân tố cốt lõi, quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng bộ. Vì vậy, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với Ban cán sự đảng xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện khâu đột phá và chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Để đạt hiệu quả thiết thực, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc triển khai một số nội dung giải pháp trọng tâm sau:

 

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động, xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phương pháp làm việc khoa học; tự giác, gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có tính tổ chức, tính kỷ luật cao. Để thực hiện tốt giải pháp này, Đảng ủy đã thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của trách nhiệm nêu gương. Nội dung giáo dục đã tập trung vào Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Hai là, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn được Đảng ta chú trọng lãnh đạo thực hiện. Theo đó, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã yêu cầu cấp ủy các chi bộ trực thuộc thực hiện việc nêu gương theo phương châm “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Đảng viên nêu gương trước quần chúng”. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình, trách nhiệm trong công tác. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu; tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh; chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; phải có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, tận tâm, trung thực, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. 

 

Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc đánh giá công chức, người lao động hàng tháng theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu. Công tác đánh giá cán bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khác phục hạn chế, khuyết điểm; từ đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác. Để thực hiện tốt giải pháp này, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc lãnh đạo thực hiện nghiêm túc việc đánh giá đối với cán bộ hàng tháng; đồng thời chỉ đạo thực hiện việc đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm theo hướng đa chiều theo Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Chỉ đạo thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, không “xuê xoa, dĩ hòa vi quỹ”. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sự đoàn kết, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; gắn việc đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, sự tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt trong đánh giá cán bộ, đảng viên.

 

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho thấy, cấp ủy chi bộ nào làm tốt công tác này thì nhận thức, trách nhiệm thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên được thực hiện tốt và mang lại hiệu quả thiết thực; ngược lại, cấp ủy nào việc kiểm tra, giám sát làm qua loa, chiếu lệ, thiếu phương pháp, buông lỏng, xem nhẹ thì nhận thức, trách nhiệm thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ở đó có nhiều hạn chế. Vì vậy, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo cấp ủy các chi bộ trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về nêu gương.  Thực hiện tốt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Thường xuyên thực hiện việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII). Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các chi bộ kịp thời biểu dương, đề nghị khen thưởng đối với những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn đảng bộ và trong toàn ngành Kiểm sát Lai Châu.

 

Với việc tiến hành đồng bộ, quyết liệt những nội dung, giải pháp trên, nên trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị luôn được đề cao; phát huy tốt vai trò gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện; toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; không ngừng phấn đấu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhờ đó, góp phần xây dựng Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu trong sạch, vững mạnh thời gian qua. Đây vừa là kết quả, vừa là những kinh nghiệm quý để Đảng bộ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện khâu đột phá về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị” trong thời gian tới.

                                                                                       Đăng Đản, VKSND tỉnh Lai Châu

hhh

LIÊN KẾT WEBSITE