Một số giải pháp nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ VKSND tỉnh Lai Châu

Người đăng: vkslaichau - ngày đăng: 23/08/2023

Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào nền nếp, hiệu quả như: Hằng năm, tập thể BCH Đảng bộ, nhất là đồng chí Bí thư chi, đảng bộ và tất cả các đảng viên trong đảng bộ đều tiến hành việc kiểm điểm đáng giá, nhận xét đúng theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và của cấp ủy cấp trên về việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng tháng, trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, ngoài việc kiểm điểm hoạt động của tháng, đã đề ra những phương hướng, kế hoạch hoạt động tháng tới để cho đảng viên đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết; cấp ủy còn tiến hành việc tự phê bình và phê bình đảng viên trong công tác chuyên môn, tác phong sinh hoạt đạo đức, lối sống và nhất là kiểm điểm về “những điều đảng viên không được làm”, kết quả tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của đảng viên…  để qua đó phát hiện những sai sót, lệch lạc mà uốn nắn chấn chỉnh kịp thời, giúp đảng viên tiến bộ hơn.

 

Tuy nhiên, trong thực tế công tác tự phê bình và phê bình tại các chi bộ trực thuộc vẫn còn những hạn chế đó là: Việc tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện mạnh dạn trong sinh hoạt chi bộ; một số đồng chí còn thờ ơ trước những khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp; việc đóng góp ý kiến còn chung chung, chưa sâu sát. Vẫn còn tình trạng nể nang, sợ “ảnh hưởng đoàn kết nội bộ”, cấp dưới chưa mạnh dạn phê bình cấp trên, người được phê bình còn tỏ thái độ biện bạch, phản bác, chưa thành khẩn tiếp thu. Một số đảng viên trẻ, mặc dù rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác, nhưng khi hội họp ít khi phát biểu đóng góp ý kiến, do nể nang, ngại đụng chạm khi phê bình đồng chí, đồng nghiệp, nhất là đối với Lãnh đạo, đồng chí lớn tuổi, nên việc đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa mạnh dạn. Song song đó cũng có một số ít cán bộ, đảng viên trong hội họp thì không tham gia phát biểu phê bình thẳng thắn những khuyết điểm, thiếu sót của đồng chí, đồng nghiệp; nhưng khi ra ngoài cuộc họp lại phê bình đồng chí này, đồng chí nọ, không mang tính xây dựng mà mang tính hạ uy tín người khác gây mất đoàn kết nội bộ… Một số cán bộ, đảng viên chưa ý thức trong công tác tự phê bình và phê bình, việc tiếp thu ý kiến phê bình, đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp mình còn chậm, ý thức sửa chữa kém làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ, của đơn vị.

 

Nguyên nhân của việc hạn chế chất lượng tự phê bình và phê bình của các chi bộ và đảng viên trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại do một số nguyên nhân chính sau: Cấp ủy và một số đảng viên trong chi bộ nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ về vị trí, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình, nên chưa nghiêm túc và tự giác chấp hành. Trong tự phê bình và phê bình, một số đảng viên chi bộ do tính chiến đấu kém, không có chính kiến, bản lĩnh, thấy đồng chí mình có thiếu sót, khuyết điểm không thẳng thắn đấu tranh, phê bình để đồng chí mình sửa chữa, khắc phục; thậm chí còn làm ngơ, “vô cảm” trước thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của đảng viên.  Một số đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, không tự giác tự phê bình, tìm mọi cách để trốn tránh, bao che, giấu giếm khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan. Một số cán bộ lãnh đạo thấy cán bộ, đảng viên của mình có khuyết điểm vi phạm nhưng sợ mất thành tích của đơn vị, nên chỉ nhắc nhở qua loa. Cán bộ, đảng viên trong chi bộ, trong cơ quan, đơn vị thấy thủ trưởng hoặc đồng chí mình có thiếu sót, khuyết điểm nhưng nhận thức không đúng, sợ bị trả thù, trù dập, ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, nên cũng không dám đấu tranh, phê bình cấp trên và đồng chí mình. Chi bộ chưa có chế tài quy định về tự phê bình và phê bình của đảng viên.

 

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất: Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác tự phê bình và phê bình

Hằng năm, cấp ủy chi, đảng bộ, nhất là người đứng đầu cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt và vận dụng thực hiện sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, về các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhận thức đúng về tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên. Thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình không phải là “bới lông tìm vết, mà là “trị bệnh cứu người”, giúp tổ chức đảng và đảng viên thấy rõ ưu điểm để phát huy, thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, sửa chữa, khắc phục; nếu có vi phạm đến mức phải xử lý thì tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm, tự nhận hình thức kỷ luật; tổ chức đảng xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật đối với chi bộ, đảng viên đúng tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bao che cho thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức và đồng chí mình. Từ đó, vận dụng vào thực tế sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo phương châm: lời nói đi đôi với việc làm, tự phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra, từ ngoài vào. Khi thực hiện tự phê bình phải nghiêm túc và tự giác. Khi phê bình phải chân thành, thẳng thắn, thắm tình đồng chí trên tinh thần xây dựng, không có dụng ý xấu, không thiên tư, thiên kiến, không chen động cơ cá nhân, không có sự trả thù, trù dập.

 

Thứ hai: Tăng cường vai trò lãnh đạo đối với cấp ủy các chi bộ trong công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng

Đình kỳ chỉ đạo cấp ủy tổ chức rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về chế độ công tác, lề lối làm việc của cấp ủy phải có nội dung tự phê bình và phê bình và chấp hành nghiêm túc. Tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các chi bộ quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình, quy chế dân chủ trong Đảng, quy chế giám sát trong Đảng để chi bộ và đảng viên có cơ sở chấp hành nghiêm túc. Định kỳ cấp ủy chi bộ tổ chức cho quần chúng tham gia góp ý kiến cho chi bộ và đảng viên, nhất là người đứng đầu; cán bộ chủ chốt phải thực sự gương mẫu thực hiện việc tự phê bình trước cán bộ, đảng viên và tiếp thu ý kiến phê bình của cán bộ, đảng viên đối với mình. BCH Đảng bộ, UBKT Đảng ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy chi bộ và đảng viên trong việc chấp hành chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ để kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm.

 

Thứ ba: Duy trì nền nếp tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cũng như trong sinh hoạt đơn vị công tác

Cấp ủy chi, đảng bộ phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về tự phê bình và phê bình; phải đảm bảo dân chủ trong tự phê bình và phê bình; khắc phục tình trạng mất dân chủ hoặc áp đặt trong tự phê bình và phê bình, phê bình mang tính hình thức. Đảng viên phải khắc phục tâm lý tự ti, hoặc sợ bị trả thù, trù dập của người mình phê bình, nhất là đối với những đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Bản thân phải chủ động tự phê bình, không được giấu giếm thiếu sót, khuyết điểm, để khuyết điểm trở thành vi phạm. Khi có khuyết điểm, vi phạm phải tự giác nhận lỗi, tự nhận hình thức kỷ luật và tỏ rõ quyết tâm sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên. Đối với đồng chí, tổ chức đảng nơi mình sinh hoạt, phải chủ động phê bình, giúp đỡ đồng chí, tổ chức nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục kịp thời, đề nghị đảng viên, tổ chức đảng giải thích, làm rõ những vấn đề mình yêu cầu. Tổ chức đảng có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý những đảng viên và tổ chức đảng có hành vi trả thù, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng phê bình để bôi nhọ, nói xấu, vu cáo, hạ uy tín của đảng viên, tổ chức đảng.

Trong kiểm điểm công tác hằng năm của cấp ủy, chi, đảng bộ phải chú trọng tự phê bình và phê bình. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải gương mẫu chấp hành việc tự phê bình và phê bình trước tập thể, có sự giám sát của cấp ủy. Thực hiện nghiêm túc phương châm tự phê bình và phê bình là “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào”, “từ trên xuống, từ dưới lên” để phê bình và tự phê bình bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, rốt ráo và có chất lượng.

 

Thứ tư: Tiếp tục quán triệt, thực hiện thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Trung 4 (khóa XI,  XII), Kết luận số 21-KL/TW và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị

Hằng năm, trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch của cấp ủy đã đặt ra, các chi bộ quán triệt nội dung, xây dựng chương trình và kế hoạch hành động của chi bộ, để cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình theo đúng điều lệ Đảng đã quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tránh lối làm hình thức, chiếu lệ cho xong việc. Kết hợp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; gắn với thực hiện lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”…, để từng đồng chí nâng cao nhận thức, rèn luyện đạo đức, lối sống. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nghiêm túc các quy định những điều đảng viên không được làm.

 

Thứ năm: thường xuyên thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm

Hằng năm, cấp ủy thường xuyên thực hiện việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện tự phê bình và phê bình phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm có chất lượng, đem lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường tuyên truyền, nêu gương đảng viên và quần chúng tích cực đấu tranh phê bình, gương những người dũng cảm nhận thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm để sửa chữa, khắc phục và phấn đấu vươn lên.

 

                                                                                                        Nguyễn Đăng Đản