Ngành Kiểm sát Lai Châu thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025)

Người đăng: vkslaichau - ngày đăng: 02/01/2025

Năm 2025, là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, cũng là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; cùng với đó, ngành Kiểm sát nhân dân kỷ niệm 65 năm trưởng thành và phát triển. Để thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2025), Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “ngành Kiểm sát Lai Châu thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2024)”. Theo đó, yêu cầu các đơn vị trong ngành quán triệt, thực hiện tốt 10 nội dung sau:

 

Một là, tích cực đề ra các biện pháp, tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025; Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 16/12/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao về phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025; Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 26/12/2024 của Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu năm 2025 và Kế hoạch số 02/KH-VKS ngày 26/12/2024 của Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu về công tác thi đua, khen thưởng của VKSND tỉnh Lai Châu năm 2025.

 

Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, nâng cao tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao tỷ lệ giải quyết án ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử... hạn chế án trả hồ sơ điều tra bổ sung; không để xảy ra việc đình chỉ điều tra bị can vì không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội do lỗi chủ quan của Viện kiểm sát, không để bỏ lọt tội phạm… Phối hợp chặt chẽ giữa VKSND các huyện, thành phố và các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Các phòng nghiệp vụ tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, trả lời thỉnh thị của VKSND các huyện, thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đơn vị cấp huyện.

 

Ba là, tích cực tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cả hình sự và dân sự; tăng cường số lượng và chất lượng kháng nghị, kiến nghị trên các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tích cực, chủ động ban hành kiến nghị đối với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan hữu quan trong phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn.

 

Bốn là, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chỉ tiêu về kiểm sát trực tiếp trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và chỉ tiêu về kiểm sát trực tiếp đối với công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã, phường; chỉ tiêu về kiểm sát trực tiếp đối với CQTHAHS cùng cấp.

 

Năm là, tăng cường chỉ đạo kiểm sát thi hành án dân sự; không để xảy ra sai sót trong thao tác nghiệp vụ; thực hiện tốt chỉ tiêu ban hành kiến nghị, kháng nghị và kiểm sát trực tiếp trong lĩnh vực này.

 

Sáu là, tăng cường thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, nội bộ mất đoàn kết. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS; phấn đấu thực hiện tốt chỉ tiêu về giải quyết đơn thuộc thẩm quyền và kiểm sát trực tiếp đối với các cơ quan tư pháp cùng cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; không để đơn tư pháp tồn đọng, kéo dài.

 

Bẩy là, thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Quy chế, lề lối làm việc của đơn vị. Thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung thống nhất trong lãnh đạo đơn vị; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình hành động của cấp trên và của đơn vị. Kiên quyết chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, quan liêu. Tích cực thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng ngân sách và tài sản công. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực công tác của đơn vị. Quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 181-NQ/BCSĐ, ngày 19/11/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao bảo đảm “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gắn với thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Tám là, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các huyện, thành phố, các phòng nghiệp vụ trực thuộc; thường xuyên đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

 

Chín là, phát huy sáng kiến, tính chủ động, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của công chức, người lao động. Thường xuyên chăm lo, giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ trong đơn vị, nhất là Kiểm sát viên phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm công vụ, đặc biệt là trong vấn đề nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong đơn vị.

 

Mười là, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phát động. Thường xuyên tuyên truyền, vận động công chức, người lao động hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tích cực tuyên truyền về hình ảnh, nét đẹp, bản lĩnh, sự vất vả, cống hiến của tập thể, cán bộ, Kiểm sát viên, nâng cao vị thế của Ngành trong công cuộc bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị phổ biến đến công chức, người lao động trong đơn vị và xác định rõ chỉ tiêu thi đua của phong trào thi đua; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đối với phong trào thi đua trong đơn vị mình để phong trào thi đua đi đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực./.

 

Nguyễn Đăng Đản