Vướng mắc trong giải quyết ly hôn với người được tuyên bố mất tích

Người đăng: vkslaichau - ngày đăng: 11/12/2023

Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và giải quyết yêu cầu ly hôn đều được gọi là vụ án dân sự và được giải quyết theo một trình tự chung. Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn “Nếu có người xin ly hôn vì lý do người kia mất tích thì Tòa án giải quyết cả việc mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án. Trong trường hợp Tòa án xác định người kia mất tích thì Tòa án cho nguyên đơn được ly hôn với người mất tích”. Khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) có hiệu lực, tranh chấp về ly hôn là vụ án dân sự và được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Phần thứ hai của BLTTDS; còn yêu cầu tuyên bố mất tích là việc dân sự và được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Phần thứ năm của BLTTDS. Do đó Tòa án không giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án như trước nữa. Như vậy khi đương sự có đơn yêu cầu ly hôn với người đã bỏ nhà đi nơi khác, các Tòa án đều yêu cầu đương sự phải chờ đủ điều kiện về thời gian là vợ hoặc chồng của họ biệt tích hai năm liền trở lên và làm đơn yêu cầu giải quyết việc dân sựTuyên bố một người mất tích” sau đó mới thụ lý giải quyết vụ án ly hôn theo qui định tại khoản 2 Điều 89 của Luật hôn nhân và gia đình “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” và coi đó như là một trình tự bắt buộc .


          Như vậy, một người được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn đối với người đã được Tòa án tuyên bố mất tích và những thủ tục tiến hành giải quyết cho ly hôn đều theo thủ tục chung quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) như: Gửi thông báo thụ lý, thông báo hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho vợ, chồng. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là người đã được Tòa án tuyên bố là mất tích thì việc gửi, tống đạt các quyết định trên cho đương sự là không thể nào nhận được, biết được. Do vậy vấn đề đặt ra là: Các biện pháp tống đạt cho đương sự đã được tuyên bố là mất tích liệu có cần thiết hay không? Việc tống đạt phải theo thủ tục chung của Bộ luật Tố tụng dân sự hay đây được coi là trường hợp ngoại lệ và không cần tiến hành tống đạt?


          Điển hình vụ án xin ly hôn: Nguyên đơn là anh Mã Văn Dương (sinh năm 1976), bị đơn là chị Mã Thị Dịu (sinh năm 1980) đều trú quán tại xóm Bằng Ca, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Năm 1991 Anh Dương và chị Dịu tổ chức cưới theo phong tục tập quán địa phương, đến tháng 6/2001 đã tiến hành đăng ký kết hôn tại UBND xã. Thời gian đầu vợ chồng sống thuận hòa, hạnh phúc và đã tạo dựng được 01 căn nhà cấp 4, bốn gian cùng một số tài sản khác. Năm 2009 vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nguyên nhân do sống chung với nhau nhiều năm nhưng không có con chung, vợ chồng không còn tình cảm, không quan tâm đến nhau. Đến tháng 8/2010 chị Dịu tự ý bỏ nhà đi không để lại địa chỉ, anh Dương cùng gia đình đã đi tìm nhiều nơi nhưng không có tin tức gì. Đến ngày 30/5/2013, anh Dương có đơn yêu cầu tuyên bố mất tích đối với chị Dịu và gửi kèm đơn yêu cầu là các tài liệu, chứng cứ chứng minh thời gian chị Dịu đã biệt tích khỏi nơi cư trú cuối cùng hơn 2 năm. Việc giải quyết yêu cầu của anh Dương được Tòa án nhân dân huyện Hạ Lang thực hiện như sau:

 

  • Ngày 05/3/2014, Tòa án nhân dân (TAND) huyện đã mở phiên họp và ra quyết định chấp nhận yêu cầu của anh Dương về việc tuyên bố mất tích đối với chị Dịu.

 

  • Tiếp đó ngày 21/4/2014, TAND huyện thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 09/2014/TLST-HNGĐ về việc xin ly hôn theo đơn khởi kiện của anh Dương.

 

          Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, TAND huyện Hạ Lang xác định từ khi anh Dương có đơn khởi kiện, do chị Dịu không có mặt tại nơi cư trú nên không gửi thông báo thụ lý vụ án, không tiến hành hòa giải và tiến hành các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật. Sự vắng mặt của chị Dịu đã được Ủy ban nhân dân (UBND) xã Lý Quốc xác nhận và khi có quyết định tuyên bố mất tích của TAND Hạ Lang, UBND xã Lý Quốc đã tiến hành niêm yết quyết định tại trụ sở nhưng không có tin tức gì của chị Dịu nên ngày 06/5/2014 TAND huyện Hạ Lang đã tiến hành xét xử theo thủ tục chung.


          Sau khi TAND huyện Hạ Lang xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của anh Dương, dưới góc độ công tác kiểm sát các quyết định, bản án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm, hiện tại có 2 quan điểm bàn luận về thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án ly hôn sau khi đã tuyên bố mất tích:


          Quan điểm thứ nhất: Tòa án đã vi phạm Điều 146, 149, 155 và Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011.


         Điều 146 BLTTDS quy định Tòa án có nghĩa vụ cấp tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự như: Thông báo thụ lý (Điều 174), thông báo về phiên hòa giải (Điều 183),Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 195). Điều 149 BLTTDS quy định các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng: 1 - Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện, người thứ ba được ủy quyền; 2 - Niêm yết công khai; 3 - Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều 155 BLTTDS quy định: Việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không đảm bảo người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Điều 199 BLTTDS quy định: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, bị đơn vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai bị đơn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt.


         Trong vụ án xin ly hôn trên, TAND huyện Hạ Lang biết rõ bị đơn là chị Dịu đang mất tích. Việc chị Dịu mất tích là căn cứ xác định nếu Tòa án có tống đạt các quyết định cho người nhà bị đơn hay niêm yết công khai cũng không đảm bảo là chị Dịu nhận được, biết được. Do vậy theo quy định tại Điều 155 nêu trên, bắt buộc Tòa án phải làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên tòa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy việc Tòa án không tiến hành gửi thông báo, không làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên tòa trên các phương tiện thông tin đại chúng là triệu tập không hợp lệ. Đồng thời căn cứ Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự thì chị Dịu vắng mặt lần đầu tại phiên tòa phải hoãn để xét xử vào lần tiếp theo chứ không thể xét xử ngay như Tòa án huyện Hạ Lang đã tiến hành.


          Quan điểm thứ hai: Trước khi tuyên bố chị Dịu mất tích, Tòa án Hạ Lang đã thông báo trên Đài tiếng nói Việt Nam và đăng nhắn tin ba số liên tiếp trên báo Công lý (Cơ quan ngôn luận của TAND Tối cao) nhưng chị Dịu không trở về nên khi là bị đơn trong vụ án xin ly hôn tiếp theo, không cần thiết phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng lần nữa. Khi giải quyết vụ án trên, Tòa án sơ thẩm căn cứ quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên (khoản 1 Điều 85  và Điều 91 Luật HNGĐ) “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn”, “Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn” để giải quyết việc ly hôn. Hội đồng xét xử không cần hoãn phiên tòa khi bị đơn không có mặt lần thứ nhất theo quyết định đưa vụ án ra xét xử mà vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung như Tòa án Hạ Lang đã giải quyết là đúng.


          Tác giả bài viết nhận thấy quan điểm thứ nhất hoàn toàn có cơ sở, bởi BLTTDS hiện hành không quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục tố tụng trong trường hợp ly hôn với một người mất tích nên việc cấp, tống đạt và xét xử phải tuân theo quy định trong BLTTDS. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang có sự nhận thức khác nhau và là một trong những khó khăn, vướng mắc cho người thực thi pháp luật Tố tụng dân sự nên mong muốn có sự trao đổi của bạn đọc, trên cơ sở đó sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết các vụ, việc tương tự từ đó có thể  thực hiện thống nhất và đúng quy định của pháp luật./.