Động cơ, mục đích phạm tội là một trong các vấn đề phải chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được quy định tại Điều 63 BLTTHS.
- ngày đăng: 11/12/2023Nội dung vụ án: Cơ quan CSĐT Công an huyện X bắt quả tang A đang tàng trữ trái phép 2 gam Heroin. A Khai nhận nguồn gốc Heroin này là do cách đây vài hôm A đã mua của một người đàn ông dân tộc Mông không rõ họ tên và địa chỉ với giá 200.000 đồng, A khai mua về mục đích để bán cho người khác. Chỉ có duy nhất lời khai của A không có thêm tài liệu gì khác.
Theo quy định của pháp luật thì: Hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 17/2007 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIII “các tội phạm về ma túy” của bộ luật hình sự năm 1999 như sau: 3.3. “Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);
đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;
e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.
Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Cơ quan CSĐT công an huyện X lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với A về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội Mua bán trái phép chất ma túy là đúng. A khai mục đích nhằm bán trái phép chất ma túy, mục đích là yếu tố thuộc mặt chủ quan của tội phạm, tự A nhận thức và khai ra mục đích đó vì vậy Cơ quan CSĐT công an huyện X đã chứng minh được mục đích nhằm bán trái phép chất ma túy của A.
Quan điểm thứ hai:
Theo quy định tại Điều 63 BLTTHS năm 2003 và Thông thư liên tịch 17 thì mục đích là vấn đề phải chứng minh trong tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trong hồ sơ chỉ có duy nhất lời khai của đối tượng khai nhận mục đích để bán trái phép chất ma túy cho người khác và theo quy đinh tại điều 72 BLTTHS thì “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.”
Mục đích phạm tội là tình tiết cần phải chứng minh trong trường hợp phạm tội do cố ý trực tiếp. Hành vi phạm tội do cố ý trực tiếp là hành động ý chí nên bao giờ cũng do một động cơ nào đó thúc đẩy và nhằm đạt mục đích nhất định. Việc làm rõ mục đích phạm tội giúp các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá, xác định đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và mức độ nguy hiểm của người phạm tội, tạo cơ sở cho việc cá thể hóa TNHS và hình phạt. Trong trường hợp luật quy định mục đích là dấu hiệu định tội hoặc là tình tiết định khung hình phạt thì việc làm rõ mục đích tạo cơ sở cho việc định tội, định khung đúng.
Khi nghiên cứu thêm về khái niệm tội phạm và các yếu tố cấu thành tội phạm nhà làm luật định nghĩa tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hôi, trái pháp luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi; Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt chủ quan của cấu thành tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, phản ánh trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, bao giờ hoạt động cũng thống nhất hai mặt bên trong và bên ngoài. Tội phạm là một dạng hoạt động có ý thức nên tội phạm gồm mặt bên trong và mặt bên ngoài. Hai mặt của hoạt động luôn thống nhất với nhau. Mặt bên trong không thể thấy được nếu nó không thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi nguy hiểm cho xã hội, bằng hậu quả tác hại, bằng thời gian, địa điểm, phương pháp, phương tiện,công cụ thực hiện tội phạm.
Như vậy khi A bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy A khai mục đích nhằm bán ma túy cho người khác, tất cả các tài liệu trong hồ sơ đều thể hiện chỉ có duy nhất lời khai của A (biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung...cũng chỉ là đang ghi nhận lời khai duy nhất của A), điều Cơ quan CSĐT huyện X chứng minh được ở đây đó là A đang tàng trữ trái phép chất ma túy, Cơ quan điều tra huyện X không thể chứng minh được A có mục đích bán trái phép chất ma túy cho người khác vì họ không thể chứng minh được A có những hành vi thể hiện ra bên ngoài, hành vi này chứng minh được mục đích A nhằm bán cho người khác. Không thể khẳng định A Phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy khi không chứng minh được mục đích của A (dù đối tượng A có khai gì đi chăng nữa ví dụ A khai tôi chia nhỏ gói ma túy tôi mua được, tôi đang trên đường đi bán cho B.....; Tôi nhà ở Lai Châu tôi bắt xe đi Lào Cai để nhằm bán ma túy cho B...; Tôi tính tôi bán được tôi sẽ lãi 20 triệu... nhưng đó chỉ là lời khai mà không ai biết, không ai nhìn thấy. Sau này A khai lại tôi chia nhỏ để sử dụng, tôi đang đi Lào Cai chơi, những lần trước tôi khai linh tinh giờ tôi khai lại. Lời khai của A sau khi thay đổi lấy gì để bác bỏ trong khi Cơ quan CSĐT không thể chứng minh được mục đích, và lời khai nhận tội của A chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Vì vậy khi Bắt quả tang đối tượng đang tàng trữ trái phép chất ma túy đủ khối lượng để khởi tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy mặc dù trong lời khai của đối tượng khi bị bắt quả tang và tại cơ quan CSĐT đối tượng khai nhận mục đích của đối tượng nhằm bán trái phép chất ma túy, ngoài lời khai không còn thêm chứng cứ gì khác thì bắt quả tang lập biên bản về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy và Khởi tố vụ án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, khởi tố bị can tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Khi tiến hành điều tra nếu đủ chứng cứ chứng minh mục đích bán trái phép cho người khác (ví dụ tìm được người đã từng mua của đối tượng, đối tượng cũng đã khai nhận đã bán cho người đó..., hay băng ghi âm, ghi hình quá trình mua bán... các chứng cứ để khẳng định mục đích mua bán của bị can thì thay đổi quyết định khởi tố vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can theo quy định tại Điều 106 và Điều 127 BLTTHS sang tội Mua bán trái phép chất ma túy.
Vụ án trên tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, tôi nêu vấn đề này rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc về vấn đề này.
(Vũ Đức Hoàng – VKSND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Số điện thoại: 01629.008.096)
- Vướng mắc trong giải quyết ly hôn với người được tuyên bố mất tích 11/12/2023
- Thông tư liên tịch: Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung 11/12/2023
- Hướng dẫn Biểu mẫu thống kê trong ngành kiểm sat nhân dân 11/12/2023
- Vướng mắc khi có mâu thuẫn về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Luật tố tụng hình sự 2015 11/12/2023